Miệng Núi Lửa Ijen, Kỳ Quan Tự Nhiên Của Indonesia

[bài viết cho Zing News]

Trong hàng chục núi lửa trên đảo Java, Indonesia, Ijen được biết đến như một nơi vừa nên thơ, vừa hùng vĩ, nhưng cũng đầy bí ẩn với du khách và ngay cả với người dân địa phương.

Ít ai biết rằng, Indonesia là đất nước có nhiều núi lửa nhất trên thế giới với 147 trong tổng số 850 núi lửa được phát hiện trên bề mặt trái đất, trong đó 76 núi lửa hiện vẫn đang hoạt động và có thể phun trào bất cứ lúc nào. Những cái tên núi lửa quen thuộc như Guntur, Papandayan (Tây Java), Slamet, Merapi (miền Trung Java), hay Bromo, Semeru, và Ijen… (Đông Java) luôn là đích đến của những du khách ưa khám phá thiên nhiên vì sự hùng vĩ và dữ dội của chúng. Trong số hàng chục núi lửa còn đang “ngủ trưa” trên hòn đảo Java phì nhiêu màu mỡ ấy, Ijen được biết đến như một nơi vừa nên thơ, vừa hùng vĩ, nhưng cũng đầy bí ẩn, ngay cả với người dân địa phương.
Ijen (Kawah Ijen) cao 2,799m so với mặt nước biển, nằm cách thị trấn Banyuwangi 26km về phía Tây Bắc, là một trong số 76 ngọn núi lửa vẫn đang hoạt động. Với vẻ ngoài rộng lớn và kỳ vĩ, miệng núi lửa Ijen được ghi nhận có bán kính 361m, diện tích bề mặt là 410m2, sâu 200m và có thể tích 3,600m3. Khi đứng ở nơi này, bạn sẽ có cảm giác mình thật bé nhỏ giữa thiên nhiên. Hàng ngày, có hàng trăm du khách leo lên núi lửa Ijen để xem ngọn lửa xanh phát ra từ mỏ quặng lưu huỳnh, ngắm bình minh từ từ xuất hiện giữa làn sương mờ đặc, và đắm chìm trong màu xanh ngọc bích huyền ảo của hồ axit nằm lọt thỏm trong miệng núi.
Trước khi kênh truyền hình Human Planet của đài BBC và tổ chức National Geographic đề cập tới “ngọn lửa xanh”, rất ít du khách leo lên Ijen vào ban đêm, bởi vì, từ điểm soát vé tới miệng núi là con đường đất khá nhỏ và dốc kéo dài khoảng hơn 4km, sau đó nếu muốn nhìn trực diện ngọn lửa, họ phải tiếp tục leo xuống tận sâu trong miệng núi với mùi lưu huỳnh nồng nặc bao quanh. Tuy nhiên hiện tại, rất nhiều khách du lịch, cả người trong nước và nước ngoài hiking lên Ijen vào ban đêm theo từng tốp.

Để được tận mắt nhìn thấy ngọn lửa huyền bí, đa phần du khách đặt tour ban đêm từ các văn phòng du lịch ở Banyuwangi hoặc Bondowoso. Khoảng 1, 2 h sáng, các xe Jeep, hoặc bus nhỏ lục tục nối đuôi nhau trên con đường nhựa mù sương xuyên qua cánh rừng rậm rạp đưa họ đến với Ijen. Họ tới điểm soát vé khá sớm, khi màn đêm tĩnh mịch còn bao phủ lên toàn bộ cảnh vật.

Những ngọn lửa mà người dân sống gần Ijen gọi là “blue fire” không phải là nham thạch. Đó chính là khí lưu huỳnh bị đốt cháy thoát ra từ các kẽ nứt trong miệng núi lửa có nhiệt độ lên tới 600 độ C, và phụt cao tầm 5m. Trời càng tối, những ngọn lửa trông càng huyền ảo và kỳ vĩ, tựa như những vũ công váy xanh điêu luyện nhảy nhót giữa đêm đen. Hiện tại, Ijen được ghi nhận là khu vực có nhiều lửa lưu huỳnh nhất trên thế giới.

Sau khoảng 2 giờ leo dốc, du khách có thể tới miệng núi lửa, và sau khoảng 45 phút leo xuống phía dưới mỏ lưu huỳnh nằm bên trong miệng núi, hàng trăm ngọn lửa màu xanh tím nhảy múa ngay trước mắt họ. Rất dễ để cảm nhận núi lửa ở gần tới mức nào, khi mùi khí lưu huỳnh cứ tăng dần trong không khí, khiến hơi thở của bất kỳ ai cũng trở nên nặng nhọc hơn bình thường.

“Blue Fire” không phải là lý do duy nhất để du khách mọi nơi khởi hành đi Ijen lúc nửa đêm. Bình minh trên miệng núi lửa và sự biến đổi màu sắc trong buổi sớm mai của một trong những hồ a xít lớn nhất thế giới là những khoảnh khắc đẹp và hùng vĩ hiếm có. Mặt trời bắt đầu lấp ló phía đông chậm rãi xua tan làn sương mờ ảo, để lộ ra hàng cây lá kim mọc san sát bên triền núi, nhân tiện tô thêm vô vàn sắc cam đỏ trên nền trời rộng lớn. Hồ Ijen dần hiện lên với màu xanh lơ nhàn nhạt, như một mảng màu lớn đang loang dần trên bảng vẽ.
Hồ Ijen dần hiện lên với màu xanh lơ nhàn nhạt, như một mảng màu lớn đang loang dần trên bảng vẽ. Nó lọt thỏm giữa những vách đá của miệng núi, bất động, thi thoảng một làn khói nhỏ từ mặt hồ khẽ bay lên, rồi tan biến vào không trung.
Khi mặt trời nhô hẳn lên khỏi đường chân trời, những tia sáng dịu dàng chiếu thẳng vào ngọn núi lửa phía xa xa, để lộ ra sắc hồng rực rỡ của nó, giữa một không gian kỳ vĩ và bao la. Các vách đá quanh miệng núi lửa cũng từ từ hiện lên rõ hơn trong ánh ban mai, hồ Ijen lúc này không còn nhàn nhạt nữa mà đã chuyển sang màu xanh ngọc bích tuyệt đẹp. Nó trở thành một viên đá quý xanh khổng lồ không tì vết yên vị trong một khuôn nhẫn vĩ đại.
Nếu cố nán lại lâu hơn, khi mặt trời đã lên cao hẳn, toàn bộ khung cảnh sẽ trở nên rõ nét và rộng lớn hơn. Những ngọn núi xa xa sẽ hiện ra, tô điểm thêm cho cảnh vật vốn đã là một kiệt tác của tạo hóa. Những người ưa yên tĩnh có thể tìm được chỗ riêng cho mình trên miệng núi rộng mênh mông của Ijen, cảm nhận sự bao la xung quanh, rồi chợt thấy mình thật nhỏ bé trước
Hồ Ijen là khởi nguồn của dòng sông Banyupahit, vì vậy nước dòng sông này bị nhiễm nồng độ a-xít và kim loại khá cao, gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hệ sinh thái ở vùng hạ lưu. Năm 2008, nhà thám hiểm George Kourounis đã chèo một chiếc thuyền cao su nhỏ ra giữa hồ để đo nồng độ a-xít, và kết quả cho thấy độ pH trong nước là 0.5.
Trong miệng núi lửa Ijen, ngay cạnh hồ a-xít, nơi những ngọn lửa xanh do lưu huỳnh bị đốt cháy không ngừng phun lên, là một mỏ lưu hình kết tủa. Người ta đã tạo các đường ống để dẫn khí từ lòng núi lửa tạo nên sự ngưng tụ của lưu huỳnh nóng chảy. Từ màu đỏ khi bị nung chảy, lưu huỳnh chảy qua các đường ống rồi kết thúc ở những hố nhỏ trên bề mặt miệng núi lửa, rồi biến thành màu vàng sậm khi nguội.
Những người thợ mỏ dùng búa đập những tảng lưu huỳnh đã nguội thành những miếng lớn cho vào hai chiếc giỏ, móc vào chiếc đòn gánh và gánh lên trên vành miệng núi qua con đường mòn dốc và nhổn nhổn những đá cao khoảng 300m so với lòng núi. Sau đó, họ tiếp tục gánh thêm khoảng 3km xuống điểm cân đo, và hơn 1km nữa xuống dưới điểm tập kết.
Những người thợ với trang bị thô sơ, đi dép tông, dép quai nhựa hay ủng đi mưa, và dùng cây gỗ tròn làm đòn gánh kẽo kẹt lên xuống con đường dốc khiến nhiều du khách tỏ ra ái ngại. Thậm chí họ không có trang phục bảo hộ hay khẩu trang để cản bớt mùi nồng nặc của lưu huỳnh trong lòng núi, khiến họ càng mệt nhọc hơn. Dọc mép núi lên đỉnh núi lửa đã trở thành con đường mòn quen thuộc cho cả du khách lẫn những người thợ khai thác lưu huỳnh.
 Nhiều người thợ nơi đây vẫn còn nhớ câu chuyện một vận động viên người Úc đã từng đến Ijen, và thử làm công việc của họ trong một tuần. Tuy nhiên anh chàng đã bỏ cuộc sau 2 ngày và lắc đầu ngao ngán: “Đây là công việc nặng nhọc nhất tôi từng làm. Nó không phải dành cho con người!!!”
Thế nhưng, để mưu sinh, những con người nhỏ bé ấy vẫn hàng ngày gánh trên vai từ 65 tới 90kg quặng/ chuyến, lầm lũi lên xuống Ijen, như là một phần cuộc sống vốn đã rất quen thuộc của họ. Du khách tới đây, để tỏ lòng thông cảm và giúp đỡ những người thợ mỏ, thường mua những miếng quặng nhỏ, hoặc mời họ cốc cà phê, điếu thuốc. Những con người chất phác và hiền lành ấy, sẽ phá lên cười khi ai đó chào họ bằng tiếng của người Java: “Monggo!”
Du khách có thể dễ dàng bắt được hơi thở phì phò nặng nhọc của những người thợ mỏ khi họ chậm chạp leo lên vành miệng Ijen từ mỏ quặng. Tuy nhiên, những người thợ vẫn tươi cười chào hỏi du khách và ngỏ ý bán cho họ những miếng quặng lưu huỳnh nhỏ hình tháp, hoặc đã được mài dũa thành các loại hình thù khác nhau.
Hầu hết tất cả những người thợ mỏ ở Ijen vận chuyển 2 chuyến trong một ngày. Một nhà máy đường gần đó trả công cho họ dựa vào trọng lượng quặng lưu huỳnh mà họ vận chuyển được trong một ngày, trung bình khoảng 13 đô la Mỹ.

Có hai đường chính du khách có thể tới Ijen, đó là từ Bondowoso phía Bắc và Banyuwangi phía Đông Nam. Thông thường, khách du lịch đi theo tour du lịch trọn gói theo chặng Borobudur (miền trung Java) – Bromo (Malang) – Ijen Plateau – Bali sẽ đến Ijen từ Bondowoso. Tuy nhiên, những du khách tự du lịch từng điểm mà không qua một tour lớn, hoặc những người tới Ijen từ Bali sẽ chọn điểm xuất phát là Banyuwangi. Từ Denpasar (Bali) tới Banyuwangi mất khoảng 4 tiếng đi xe buýt và phà, do vậy cũng rất tiện đường cho tất cả du khách muốn leo đỉnh Ijen để chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của ngọn núi này.

Đối với những người ưa thích đi du lịch bằng xe máy, việc thuê một chiếc xe tay ga ở Banyuwangi cũng không hề khó. Quãng đường 26km từ trung tâm Banyuwangi tới điểm soát vé Ijen khá đẹp, do vậy, xe máy dường như là một phương tiện lý tưởng và cực kỳ tiết kiệm.

Xăng ở Indonesia rất rẻ, khoảng 6,500 Rp/ lít (tương đương 11,700 VND), giá thuê xe tầm 50 – 60,000 Rp/ ngày, giá vé vào Ijen là 30,000 Rp/ người, hơn nữa khi đi bằng xe máy, bạn không phải chạy theo khung thời gian của tour có sẵn mà thoải mái khám phá mọi ngóc ngách của núi lửa này.

Tuy nhiên, cần chuẩn bị áo ấm trước khi khởi hành bằng xe máy tới Ijen, bởi vì nhiệt độ ban đêm khá thấp, cùng với sương mù trên con đường xuyên qua rừng có thể khiến bạn lạnh cóng trước khi tới chân núi. Hãy khởi hành từ trung tâm thị trấn tầm 1h sáng, bạn sẽ có cơ hội xem tất cả những gì thú vị của cao nguyên núi lửa Ijen, một địa điểm rất khó bỏ qua của đất nước vạn đảo xinh đẹp và hấp dẫn này.

Bài và ảnh: Biên Nguyễn

“Tidak Halal”

Một số loại tem đảm bảo thực phẩm đạt chuẩn Halal

Một số loại tem đảm bảo thực phẩm đạt chuẩn Halal

 

Khi bạn đi du lịch ở Malaysia hoặc Indonesia, hoặc một số nước có người theo đạo Hồi sinh sống, có thể bạn sẽ nhìn thấy cái chú ý trên biển hiệu nhà hàng hoặc thực đơn: “Tidak Halal”. Nói nôm na cho dễ hiểu thì Tidak là “NON” (KHÔNG), còn Halal (tiếng Ả Rập) là các loại thực phẩm “được phép” hay “hợp pháp” theo tiêu chuẩn đạo Hồi. Như mọi người đều biết thì người theo đạo Hồi không ăn thịt lợn. Tuy nhiên với các loại thịt khác như gà, bò, dê… nếu được giết mổ không đúng theo các quy định và phương pháp mà giới luật Hồi Giáo quy định thì cũng không được dân đạo Hồi sử dụng. Có thể nói các quy định về thực phẩm của các nước Hồi Giáo khá chặt chẽ, nhất là các nước Trung Đông. Chính vì thế ở các nước có cả người theo đạo Hồi và các đạo khác chung sống hòa bình như Malaysia, “Tidak Halal” sẽ xuất hiện phổ biến hơn, nhất là ở các nhà hàng của người Hoa.

Vậy thì, các nguyên tắc khắt khe về giết mổ của đạo Hồi như thế nào? Thực tế là rất phức tạp. Nói chung, nếu một cơ sở sản xuất các loại thực phẩm dành cho người Hồi Giáo thì nhất định phải có giám sát viên Hồi Giáo tham gia vào tất cả các khâu để tránh việc giết mổ không đúng quy cách và ngăn ngừa các loại thực phẩm đó tiếp xúc với các loại thực phẩm bị cấm theo đạo Hồi (còn gọi là “Haram”). Các loại thực phẩm bị cấm trong luật của đạo Hồi bao gồm:

– Mọi loại lợn và gấu hoang dã

– Mọi loại chó, rắn và khỉ

– Mọi loại động vật ăn thịt có móng vuốt và răng trước như sư tử, gấu, hổ và các loài khác tương tự

– Chim săn mồi (ví dụ như đại bàng, kền kền hoặc các loài tương tự)

– Các loại động vật gây hại như chuột, động vật nhiều chân, bò cạp…

– Các loài động vật mà theo luật Hồi Giáo không được giết như kiến, ong, chim gõ kiến.

– Các loài động vật lưỡng cư như ếch, cá sấu

– Các loài động vật biển không có vẩy

– Các loài động vật biển không được săn bắt theo luật đạo Hồi

– Tiết và thực phẩm có lẫn tiết

– Các loại rượu và thức uống có cồn

vân vân…

Đến đây thì có lẽ tất cả những người không theo đạo Hồi và ít hiểu về tôn giáo này như đa phần người Việt đều cảm thấy hơi tức thở vì sao có cái đạo gì mà cấm ăn nhiều thứ thế. Ngày trước tôi có dẫn một cặp vợ chồng người Pakistan đi Hạ Long vào dịp Tết Nguyên Đán, và họ không sử dụng bất cứ dịch vụ ăn uống nào trên tàu, chỉ mượn bếp và tự xào nấu ăn với nhau. Tuy nhiên lúc đó tôi không hiểu lắm về các quy luật khắt khe về ăn uống của người Hồi giáo.

Cho đến hôm trước, khi đi ăn Laksa ở một nhà hàng khá nổi tiếng ở Penang, và nhìn thấy biển “Tidak Halal”, tôi mới tìm hiểu xem thực tế cái Halal là cái quái quỷ gì mà tất cả những người phụ nữ Hồi Giáo trùm người kín mít bằng vải đen cùng với chồng họ chỉ đứng ngoài chờ các khách du lịch khác húp xì xụp laksa trước khi khởi hành đi tham quan các nơi khác. Hóa ra cái biển đó mặc nhiên mang nghĩa “không tiếp người theo đạo Hồi”, vì gia chủ không giết thịt cá, thịt bò theo các quy cách nhiêu khê của thánh Allah được. Và các quy cách đầy phức tạp của Allah là khi giết thịt bất cứ động vật “được phép” nào, sống trên cạn cũng phải theo đúng quy định sau đây:

– Giết thịt phải do một người Hồi giáo trung thực, có hiểu biết về cách giết mổ của đạo Hồi tiến hành.

– Động vật bị giết thịt phải theo đúng Luật Hồi Giáo chấp nhận.

– Trước khi giết, động vật phải sống và triệu chứng sống phải tồn tại trong động vật đó.

– Ngay trước khi giết thịt, câu “Cầu Thượng Đế” “Besm-e-Allah” phải được đọc rõ.

– Dụng cụ giết thịt phải làm bằng thép sắc.

– Trong quá trình giết mổ, khí quản, thực quản, động mạch chính và tất cả các tĩnh mạch cuống họng phải cắt bỏ hoàn toàn.

– Động vật phải quay mặt về Quibla (hướng người Hồi giáo cầu nguyện, chính là Kaab ở Mecca, Ả Rập Saudi)

Cùng với sự khắt khe về ăn uống như vậy, người Hồi Giáo tin chắc rằng những người không theo thánh Allah của họ trăm phần trăm sẽ xuống địa ngục, bởi vì họ ăn tạp và ăn nhiều Haram, và chối bỏ ông Allah trời ơi đất hỡi kia.

Tôi hoàn toàn đồng ý với niềm tin của đa phần nhân loại rằng các thể loại tôn giáo đều hướng người ta tới cái thiện, nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của xã hội văn minh, khi tự do của con người được đề cao, thì một số tôn giáo thể hiện rõ sự lạc hậu trong các quy định và các điều răn dạy. Đạo Hồi ở Indonesia dường như là thoáng nhất trong cộng đồng các quốc gia có người Hồi Giáo sinh sống, tuy nhiên, phụ nữ và những người lớn tuổi vẫn khá vững vàng trong niềm tin vào vị thánh “nhặt sỏi” của đạo mình.

Với tôi, Haram vẫn luôn là nguồn sống, và là gốc rễ của sự sinh tồn trên trái đất này. Thành thật cáo lỗi thánh Allah!!!!!

 

 

Cõi Lặng

Monkey Beach, Penang, Malaysia

Monkey Beach, Penang, Malaysia

Tôi đi tìm cõi lặng của tôi, một túp lều chơ vơ trên núi, bếp than đỏ lửa, chén trà ngọt tê đầu lưỡi, và những giọt mưa lộp độp rơi trên tấm bạt dù xanh đỏ. Tôi ngồi đó, nghe gió lướt qua triền núi, réo rắt.

Tôi đi tìm cõi lặng của tôi, một mùa hè hiền dịu, một bãi biển êm đềm sóng vỗ, bãi cát dài trắng xoá phơi mình dưới ánh nắng chói chang. Tôi nằm đó, nghe tiếng đại dương thầm thì với rặng phi lao lao xao giữa làn gió biển.

Tôi đi tìm cõi lặng của tôi, một chiếc cầu gỗ nhỏ dẫn tới một góc hồ tĩnh lặng giữa một đêm trăng tròn vành vạnh. Chiếc thuyền câu bé con im lìm trong tiếng sáo nhẹ nhàng, du dương ngọt ngào của lão ngư văng vẳng giữa không gian thanh vắng.

Tôi đi tìm cõi lặng của tôi, một đêm mưa tí tách trên mái ngói, tiếng ếch nhái ì oạp ngoài đồng đưa tôi vào giấc ngủ không mộng mị.

Tôi đi tìm cõi lặng của tôi, một buổi sáng tinh sương giữa một bản làng xa lắc, sương mờ giăng trên những đỉnh núi xa xa, tiếng gà gáy rời rạc vọng từ những ngôi nhà thấp thoáng đâu đó lưng chừng núi, xen lẫn vài tiếng chó sủa khan.

Tôi đi tìm cõi lặng của tôi, mùi khói bếp cay cay bay lên từ mái rạ, mùi thơm của bữa cơm chiều, tiếng trẻ con cười đùa vẳng ra từ xóm nhỏ của một làng quê xa lắm. Cõi lặng ấy còn bao nhiêu mùi quen thuộc, cái mùi hăng hăng của phân trâu bò mỗi buổi chiều về, mùi rơm rạ mỗi khi mùa gặt tới, mùi ngô rang, muỗm nướng…

Tôi đi tìm cõi lặng của tôi, bếp lò đỏ lửa, tiếng củi nổ lách tách, nồi bánh chưng sôi sùng sục, một chiếc ổ rơm được tết khéo léo, mùi trầu thơm phả ra từ bà. Cõi lặng ấy giờ đã xa, xa lắm.

Tôi vẫn đi tìm những cõi lặng của riêng mình, để tạm thời thu mình vào đó, mỗi lúc mệt mỏi và chán nản.

(Để trong draft lâu rồi, giờ ngồi trước biển lại tức cảnh sinh tình nên publish cho thiên hạ. PS: ảnh vừa chụp chiều nay 23/6/2014 tại Bãi Khỉ, Penang)

Quyết Định Làm Blog Viết Linh Tinh Về Du Hí

Hê hê. Vậy là làm một cái quyết định rụng rời tay chân. Viết linh tinh, tổng hợp thông tin linh tinh về du hí. Tất nhiên mục đích của mình chỉ là đứng trên phương diện cá nhân, cái nhìn cá nhân phiến diện và đa phần vớ vẩn. Nhưng vui là chính mà phải không ạ? Mình chẳng có tham vọng cao xa gì, chỉ muốn có nơi vào chém gió, cũng là nơi mình tổng hợp được chút kiến thức của các bạn nam thanh nữ tú đến từ tứ xứ. Mình sẽ không viết nhật ký hành trình nữa, vì mình thấy nó nhàm và tầm phào bỏ xừ (à, có thể với mình thôi nhé! bởi rằng thì là mà… một ngày lang thang của mình chỉ đơn giản là ngủ phát tới 10h sáng, dậy loanh quanh ra phố, làm bữa bình dân đạm bạc xứ người, rồi lại lang thang ra bãi biển, nằm một phát, rồi lại ngủ, rồi lại ăn…) Kiểu thế. Du lịch amateur nó thế. 

Vậy cho nên, cứ coi cái blog Dân Nhà Quê (hoặc sau này mình đổi tên là Dân Rồ Dân Dại cũng được) là cái chỗ chém gió thôi, nhá! 🙂

Các bạn có ủng hộ mình viết linh tinh thì giả nhời một câu, nhá! 🙂

Philippines, Chuyện Giờ Mới Thèm Kể

Tôi quyết định kể chuyện Philippines, đất nước vạn đảo xinh đẹp và ấm áp, cũng là cột mốc cho tôi quay trở lại thói quen viết lách, thứ dường như đã biến mất từ khá lâu rồi.

Image

Night market at Pasig, Manila

Tôi đặt vé đi Manila chỉ sau một tích tắc đồng hồ. Tôi chưa bao giờ như thế. Thường thì việc tôi đi đâu, làm những gì khiến tôi mất nhiều thời gian tính toán, đong đếm. Nhưng với Philippines, bỗng nhiên tôi nghĩ: “Ừ, thì đi Phil!”

Thế là đi. Giữa đêm tối lạnh giá, tôi một mình khăn gói lên đường. Ánh đèn thành phố nhạt dần sau cửa hậu taxi. Tôi tạt qua nhà bố mẹ, thắp hương cho ông bà, báo với các cụ là thằng con lại lang thang nửa tháng. Sân bay Nội Bài vắng tanh. Lèo tèo vài nhóm khách chờ bay đêm. Quầy check-in của Cebu Airlines lặng lẽ làm thủ tục cho khách mà trên bảng tin không hề thấy xuất hiện thông báo. Hàng không giá rẻ, cũng chẳng đòi hỏi gì nhiều. Đám nhân viên của Vietnam Airlines được Cebu thuê làm việc một cách dật dờ như những con người thiếu đói. Em Dung, với khuôn mặt khá ưa nhìn, quắc mắt trả lời tôi với một giọng khinh khỉnh đặc sệt quê lúa: “Tất nhiên!!!” khi tôi hỏi có chắc chắn cần in vé ra không, bởi vì tôi đã có mã vé điện tử trong điện thoại. Thế rồi em hất cằm giục tôi đi ra quầy Vietnam Airlines in vé, nhanh nhanh để còn nhường chỗ cho người khác. Khi gặp lại Dung, em nhiệt tình đánh máy, tiện thể cũng nhiệt tình buôn chuyện với một em trai nhân viên khác. Một cặp vợ chồng ngoại quốc vừa bước ra khỏi quầy check-in, tôi bỗng nghe giọng em Dung sang sảng hỏi đồng nghiệp: “Anh!!!, con kia có bầu đúng không? Nhìn dáng đi dạng dạng em biết ngay!”, rồi cười khúc khích. Khốn nạn! Thật nhục nhã cho Hãng Hàng không Việt Nam.

Chuyến bay theo dự định là 3 tiếng. Giấc ngủ chập chờn đến rồi lại chập chờn đi. Tôi hơi hồi hộp.

Gần 6 giờ sáng (giờ Philippines), tôi xuống Ga 3 sân bay Manila. Nino đón tôi ngoài sảnh với bộ mặt ngái ngủ. Nino là anh chàng tôi xin ở nhờ tại Manila trong 2 ngày đầu tiên tại Philippines. Tôi tham gia Couchsurfing từ 2009, nhưng chưa hề có bất cứ kinh nghiệm đi ở nhờ nào ngoài Việt Nam, ngoài việc host một người bạn và đưa vài khách du lịch đi loanh quanh Hà Nội. Tôi gửi request trên website tầm 2 tháng trước chuyến đi, và nhận được 7 lời mời. Sau khi đọc tất cả các reference của 7 profiles, tôi quyết định sẽ liên lạc với Nino. Tôi và Nino nói chuyện qua Facebook khá thường xuyên khoảng 1 tháng trước khi tôi khởi hành, chủ yếu là hỏi han về cách đi lại, ăn ở, chi phí…, hơn hết là tôi muốn hiểu rõ hơn về chủ nhà của mình. Một người bạn tôi quen trên CouchSurfing và giờ trở thành một trong những người bạn tốt có khuyên tôi như vậy. Tôi khá yên tâm vì tôi cảm nhận Nino là một người rất nhiệt tình, thân thiện và đáng tin cậy. Anh hứa sẽ đến đón tôi tại sân bay mặc dù tôi khăng khăng là tôi có thể bắt taxi về đó, miễn là có địa chỉ cụ thể.

Sau khi tay bắt mặt mừng, Nino bắt taxi về nhà của anh, và nằng nặc đòi trả tiền taxi khi tôi ngỏ ý trả cả tiền lượt anh ra đón và lượt về. Nino nói vì tôi là khách, và tiền chạy taxi ở Philippines cũng không đáng bao nhiêu. Tuy nhiên, sau một hồi cự nự, anh chấp nhận để tôi trả 100 peso (tương đương với 50,000 đồng). Cảm nhận đầu tiên của tôi về anh chàng này quả thực là rất tốt bụng.

Ngôi nhà của Nino khá nhỏ bé và có nhiều đồ đạc, nằm trong một con ngõ yên tĩnh ở Pasig. Quả thực để có một chỗ ở thực sự tiện nghi cho những người làm công ăn lương ở Philippines không phải dễ. Mặc dù Nino làm thiết kế cho một công ty nội thất nhưng cuộc sống cũng không tới mức dư dả. Độc thân, với một góc nhỏ xinh như vậy có lẽ là đủ.

Tôi mệt phờ, buông ba lô và kéo một chiếc đệm nhỏ đánh một giấc ngắn trước khi dậy đi khám phá thành phố cùng với chủ nhà.

8 rưỡi sáng. Chim chóc ríu rít xung quanh ngôi nhà của người bạn mới. Nắng chói chang ùa vào khu phố nhỏ. Vậy là tôi biết cái nắng ở Phil như thế nào rồi. Vô cùng nóng. Nino bắt jeepney và chỉ cho tôi biết cách tìm cho đúng xe đi đến điểm mình muốn. Ở Manila, những chiếc jeepney sặc sỡ và ồn ào là phương tiện giao thông công cộng chính. Mỗi xe đều có một kiểu trang trí riêng biệt, đa phần là vẽ theo phong cách graffity rực rỡ. Các bác tài mở nhạc sàn ầm ĩ. Nhạc từ xe nọ đan lẫn vào nhạc từ xe kia, cộng với tiếng động cơ quả thực dễ làm đau tai những người ưa yên tĩnh.

Chúng tôi dừng chân tại Eastwood City, khu business chính của Quezon City. Ở đây có nhiều nhà cao tầng, nhà hàng, khu mua sắm. Có sự khác biệt rõ rệt với khu dân cư tôi đang ở. Nino dẫn tôi vào ăn ở một nhà hàng buffet giá rẻ chuyên đồ Phil. Nói thật là đồ ăn của Phil dở tệ. Nhưng tôi là đứa dễ ăn tới khủng khiếp nên vẫn chén ngon lành, gật gù với vẻ rất chân thành.
Loanh quanh một lúc chúng tôi bắt Jeepney ra Cubao và đi Metro tới Rector sau đó thăm thú mấy viện bảo tàng gần Intramurus. Thú thực, với kiểu du lịch như ăn cướp của tôi, thăm thú bảo tàng là một điều gì đó vô cùng xa xỉ, mặc dù, đúng là nếu muốn hiểu biết chút ít về nơi mình đến, bảo tàng là lựa chọn tốt nhất.

Chỉ loanh quanh chưa đầy 1 giờ đồng hồ, tôi đã buồn ngủ tới mức gần như muốn nằm ngay ra đâu đó đánh một giấc. Nino gợi ý nên quay về nhà ngủ. Vậy là chúng tôi cuốc bộ thêm  một đoạn rồi ra bắt xe bus về nhà. Manila mưa lớn và dai. Nước mưa nhạt nhoà trên cửa kính ô tô kéo sụp đôi mắt đang đờ đẫn của tôi xuống cho tới khi về đến tận Pasig. Mất đúng hơn 1 tiếng đồng hồ.

Buổi tối hôm đó chúng tôi có đến Westwood lần nữa ăn tối và lang thang. Sau đó tôi muốn về nhà sớm để lên kế hoạch đi khỏi Manila. Tôi hơi hoang mang một chút vì trong đầu chưa hiện ra được ý nào hay ho, cũng chẳng biết nơi nào đáng đi. Tôi nói với Nino rằng tôi có 16 ngày ở Phil cả thảy, và tôi muốn đi những chỗ hay ho một chút, tôi không ngại nơi đông khách du lịch, vì mùa Giáng Sinh ở Phil là mùa cao điểm. Nino cho tôi xem một cuốn sách ảnh dày khụ với cả trăm địa điểm và la liệt những bức ảnh biển đảo lung linh, núi lửa hùng vĩ. Tôi hỏi giữa Boracay và Palawan thì cái nào nên đi hơn. Sau đó thì xem ảnh. Tôi thiên về Palawan vì có vẻ yên tĩnh và giông giống Hạ Long. Xong Nino bảo tôi: “Nếu nó giống Hạ Long ở Việt Nam thì đi làm gì, đi chỗ khác đi!” Tôi cho anh xem ảnh Hạ Long, rồi anh bảo: “Thôi cậu đi Boracay đi, Palawan giống hệt cái này!” Thôi thế cũng được. Tôi lẩm bẩm. Chắc chắn còn quay lại Philippines, lần sau Palawan cũng được. Cả nghìn hòn đảo thế này, quay lại trăm lần cũng chẳng đi hết được một phần.

Thế là tôi đặt vé máy bay đi Boracay. Nghĩ lại thấy dại quá. Giá tôi lên lịch trình đàng hoàng từ nhà thì có phải rẻ được một nửa không. Nhưng mà đâm lao thì phải theo lao, tôi ngồi ngẫm nghĩ xem sau Boracay thì đi được đâu, nhưng vẫn chưa ra. Tôi hỏi Nino ít thông tin về núi lửa, lặn biển… sau đấy thì lăn ra ngủ.

Trời Buông Gió Và Mây…

20131115-005950.jpg

Sáng nay thật lạ. Tiếng nhạc dập dìu phát ra từ nhà hàng xóm. “Trời buông gió và mây về ngang bên lưng đèo…” Tự nhiên nhớ lại hồi sinh viên đi tình nguyện, suốt ngày thơ thẩn với Trịnh. “Dấu chân địa đàng” là một trong những bài mình thích nhất vì cái cảm giác hơi ma mị, u ám và quạnh hiu, buồn đến bã người. Sến. Người trẻ thích nhạc buồn thường bị gọi là sến, thích Trịnh thì coi là sến lòi phèo. Nhưng mà mình chả ngại. Mình thích giai điệu. Nó đưa mình đến chỗ sâu kín nhất của tâm hồn. Ai đó đã từng nói nhạc Trịnh dường như nói lên được hết tâm trạng của bất kỳ ai, bởi vì ông sống bằng nhịp đập của trái tim mọi kiếp người. Mình thấy đúng lắm. Nhạc Trịnh lúc nào cũng khiến mình trầm lắng hơn, khiến mình suy nghĩ già dặn hơn và hiểu người, hiểu đời hơn.

Bất kể vui hay buồn, nhạc Trịnh ít khi làm mình thấy mệt. Bản nhạc nào cũng đều gợi trong mình một kỷ niệm, lời ca nào cũng khiến mình nghĩ tới những người xung quanh, những cung bậc cảm xúc đã từng, đang và sẽ ngự trị trong mình. Với mình nhạc Trịnh không là hàn lâm, mà rất bình dân, rất đời.

30

ImageHai ngày sau khi bước sang tuổi 30. Chẳng có gì khác.

Có chăng cái khác là lũ bạn mứt gọi mình là “băm”, là bảo mình già khú gì khắm, là đủ các loại tính từ xấu xí để mô tả cái mốc quan trọng của một đời người, cái mốc giữa tuổi trẻ và tuổi già. Có chăng thấy tóc mình bạc hơn một chút so với hôm cuối cùng của tuổi 29, và nụ cười đã hằn vết chân chim lợn.

Tuổi thanh xuân trôi qua nhanh quá. Vậy mà mình chẳng để ý, vẫn còn muốn “cùng phi ngựa hát ca, nâng chén rượu chúc cho thời thanh xuân oanh liệt.” Có lẽ mình không ý thức được việc một người khi bước vào ngưỡng 30 sẽ cần phải quên đi cái gì, và bắt đầu cái gì.

Khi 17 tuổi, mình nghĩ: chẳng biết khi 30 tuổi mình sẽ như thế nào, sẽ làm gì, mặc dù mình chưa nghĩ đến năm 18 tuổi mình sẽ ra sao.

Khi 18 tuổi, bước chân vào giảng đường đại học, mình trở thành một đứa nhà quê chân đất mắt toét, tự ti tới từng mi li mét, vùng vẫy giữa một bầy các cô gái chân “hơi” dài cùng lớp. Mình chẳng buồn nghĩ đến tương lai.

Khi 20 tuổi, bắt đầu đi làm, mình vẫn là một đứa nhà quê ngây ngây thơ thơ, loay hoay giữa cuộc sống của một đứa trẻ có một phần trưởng thành. Và nghĩ đến năm 22 tuổi, mình sẽ làm gì?

Năm 22 tuổi, cầm tấm bằng tốt nghiệp loại vừa vừa, mình lao vào một công việc đầy hứa hẹn cho sự thăng tiến và ổn định. Và mình cũng nghĩ tới quãng thời gian sau đó 5-10 năm, mơ tới một vị trí cao, một mức lương hoành tráng… Bản tính của mình có lẽ bắt đầu hình thành từ lúc này. Cái bản tính bị vùi dập bởi tư duy cổ điển của một đứa có xuất thân từ gia đình bần nông, có lẽ đã trỗi dậy từ lúc đó. Mặc dù, cuộc đấu tranh giữa ngây thơ và hiểu biết, trẻ con và người lớn không hề dễ dàng như việc đút kẹo vào mồm. Mình tự nhủ: đúng là mình lớn chậm.

Năm 24 tuổi. Thất nghiệp. Quãng thời gian u tối. Mình chẳng muốn nghĩ tới ngày mai.

Năm 25 tuổi. Ngã rẽ mới biến mình thành một người không còn nung nấu tham vọng, nhưng lại mở cho mình những suy nghĩ mới. Trăn trở về hạnh phúc, về con người, về xã hội. Có lẽ, cái trăn trở nhất là làm thế nào mình sống cho mình nhiều nhất, làm cho mình cảm thấy hạnh phúc nhất. Mình bắt đầu với những chuyến đi, tiếp nối những con đường, để quên đi một số thực tại ít đẹp đẽ.

Năm 27 tuổi. Quay đi quay lại đã toan về già. Mình hơi buồn cho số phận hẩm hiu. Mình nghĩ nhiều đến hiện tại và tương lai. Mình dường như quên, hoặc muốn quên đi cái quá khứ mờ nhạt và kém thú vị. Mình gặp gỡ những con người mới, có những người dường như là định mệnh, khiến mình nới lỏng cái tư duy lạc hậu và định kiến về nhiều vấn đề. Mình cảm thấy mình đã có chút trưởng thành. Mình có quan điểm riêng và khá bảo thủ về một số lĩnh vực trong cuộc sống, nhưng vẫn mềm nhũn trước vẻ đẹp của thiên nhiên, của những khác biệt văn hóa trên những nẻo đường đã qua. Mình chắc rằng, du lịch là một cái gì đó sẽ gắn mới mình rất lâu, nó biến mình thành một con người khác, đầy đam mê và lạc quan, không giống cái khuôn mặt hay quàu quạu thường ngày.

Năm 28 tuổi. Nỗi cô đơn và nỗi buồn luôn thường trực. Mình tin nhiều hơn vào số phận, duyên phận. Mình đi nhiều hơn. Mình hiểu rằng cuộc sống sẽ phức tạp hơn khi người ta trở nên già đi, và gánh nặng cá nhân, gia đình, xã hội cũng sẽ nhiều lên. Mình độc lập không phải từ thuở bé, vì mình không phải Dế Mèn.

Năm 29 tuổi. Không có nhiều thay đổi. Gặp thêm những người bạn mới. Cuộc sống là thêm nhiều tiếng cười và chia sẻ. Vẫn nối tiếp những con đường, và ý thức được rằng: “Hạnh phúc thật giản đơn!”

30 tuổi. Vẫn còn chưa lớn. Cuộc đời vẫn rất dài phía trước. Mình không muốn là một ông cụ với các triết lý siêu hình viễn tưởng, hay một người kỹ tính với mọi thứ xung quanh, kỳ cọ một vài vết bẩn trên chiếc gương nhà tắm hàng giờ để nó sạch như lau như li, hay đắn đo trước gương xem chiếc sơ mi nào sẽ hợp với chiếc quần nào cho ngày thứ Hai. 30 có chăng là nên sống hết mình và bỏ qua những thứ rườm rà không quan trọng, để không thấy hối tiếc khi mình 40. Đúng thế. 30 tuổi, và mình tiếc cho tuổi xuân nguội lạnh. Mình sẽ không để mọi thứ lặp lại trong quãng thời gian tới. 10 năm – 20 năm nữa, khi đã đi quá nửa đời người, nhìn lại, thấy vui vì những gì mình đã chọn, đó là sự thành công.

30 tuổi. Mình đang hạnh phúc, bởi những thứ giản đơn. Mình không cần nhiều người hiểu. Vì mình sống cho bản thân nhiều hơn cho người khác. Mình chỉ có một cuộc đời, và không muốn lãng phí nó. Mình có tin vào kiếp sau. Nhưng đó là chuyện của kiếp sau. Còn bây giờ, hiện tại, lúc này, kiếp này, mình đã 30 cái xuân xanh bố nó rồi. 🙂

Chó Hàng Xóm

Hàng xóm nhà mình. Ở đối diện. Đầu trọc, người tròn xoay, đi xe SH.

Hàng xóm nhà mình có nuôi vài con chó. Giống chó Tây. Một con cộc đuôi, lông hung đỏ, to uỵch, lúc nào nước dãi cũng chảy lòng thòng. Một con bé bé, lông xù, tai dài, hay đái bậy ngoài ngõ. Hình như còn một, hai con nữa mình chưa bao giờ nhìn thấy.

Hàng xóm nhà mình, đại loại là thích chó.

Ngày nào ở nhà, mình cũng nghe thấy tiếng cho kêu thảm thiết, tiếng xích loảng xoảng. Gã đầu trọc dùng roi vụt chó, quát tháo ầm ĩ: “Ỉa ở đây à? Ngu này! Chết này!!!!” – “Oẳng oẳng oẳng…”

Sáng nay mình mở cửa ra đi làm nhìn sang, con hung đỏ sểu dãi trước cửa nhà. Con trai đầu trọc định chạy ra ôm. Đầu trọc quát: “Đi vào, ôm nó rồi nước rãi ra tay, bẩn lắm!”

Đầu trọc hay rửa xe máy trước cổng. Mình nhớ có hai lần hỏi gã mua chó ở đâu. Gã cười: “Người quen!”

Mình cũng nhớ vài lần con trai đầu trọc gào lên với gã: “Bố đừng đánh chó nữa!”

Gã, thi thoảng dắt chó đi dạo bằng xe máy, và thường xuyên xích chó trong nhà.

Gã, không khác những đứa trẻ khá giả chơi đồ chơi. Khác là lão chơi chó. Còn yêu thì không.

Gã, chỉ nuôi chó cho sang, để cho thiên hạ thấy gã đang có lối sống phương Tây. Có điều, tư duy của gã thì không trùng hợp.

Mình thương cho lũ chó!

Tháng Chín

Tháng Chín ùa tới, ập vào mặt người cái lạnh ngọt ngào mà hanh hao của mùa thu. Tháng Chín, mùi hoa sữa khởi sự nồng nàn, khiến những con người mê đắm Hà Nội không khỏi hít hà trên những con phố thân quen.

Tháng Chín. Ta như lạc vào những hoài niệm, ký ức ngọt bùi và man trá. Chẳng phải chỉ mình ta. Con người nào chẳng thế. Mùa thu lãng đãng lá rơi, tâm trí người cũng lãng đãng trôi theo dòng suy nghĩ, miên man về miền xa xưa, tháng năm tuổi trẻ, kiêu hãnh và bồng bột.

Tháng Chín cho ta nhìn lại mọi điều đã qua với một chút tiếc nuối, một chút buồn gợn sóng. Bao nhiêu mùa thu đến rồi qua, bao nhiêu mùa thu còn đọng lại trong suy tưởng, và bao nhiêu mùa thu cho ta những tiếng cười hạnh phúc, hay những giọt nước mắt đắng cay?

Tháng Chín ngập chìm trong Thu. Tháng Chín  thẫn thờ như bà góa phụ, cô quạnh và lặng lẽ, đôi mắt buồn ướt át như nói lên hết nỗi thê lương, ngậm mình trong quá khứ.

Tháng Chín. Những kẻ điên suốt ngày chỉ biết cười đùa cũng nhận thấy lòng mình xao xuyến.

Tháng Chín. Thoắt buồn thoắt vui. Tháng Chín gợi nhắc cho ta những giây phút hạnh phúc ngắn ngủi nhưng ý nghĩa, những mất mát, và hàn gắn, những con người đã từng bước vào cuộc đời ta, đem lại cho ta những dự vị ngọt ngào, hay đau đớn.

Tháng Chín. Bùi ngùi những chuyến đi lang thang với những con người phóng khoáng. Mùa thu thênh thang, những bước đi thênh thang… hy vọng chưa kết thúc.

Tháng Chín. Ta có thêm một mùa thu để nhận ra những giá trị của cuộc đời, của tình yêu và tình bạn.

Tháng Chín. Ta chuẩn bị ngủ quên trong mộng mị, trong hồi tưởng. Ta cần ai đó đánh thức ta khỏi những cơn mê…

WAKE ME UP WHEN SEPTEMBER ENDS…